Tác dụng của phương pháp học tập

Học tập tích hợp (Blended Learning) đã không còn là một khái niệm quá xa lạ trong ngành giáo dục. Hiện tại những người quan tâm có thể tiếp cận được rất nhiều nguồn thông tin về chủ đề học tập tích hợp này. Với mục đích cung cấp cho người đọc nguồn thông tin chính thống và đáng tin cậy để có thể hiểu rõ những lợi ích chính mà phương pháp này mang lại, iTD Academy xin giới thiệu với người đọc bài viết sau đây, trích từ bài nghiên cứu Blended Language Learning được thực hiện bởi Cambridge University Press vào năm 2016 với nhan đề 8 lợi ích của phương pháp học tập tích hợp cho học viên và giáo viên

1. Đáp ứng tốt hơn sở thích, phong cách học tập của từng học viên

Học viên luôn luôn có nhiều sở thích cũng như phong cách học tập khác nhau nên những cách tiếp cận truyền thống sẽ không thể đáp ứng được nhu cầu của tất cả học viên. Với phương pháp học tập tích hợp, mỗi học viên đều có cơ hội lựa chọn cách học tập phù hợp nhất với mình mà không ảnh hưởng đến những học viên khác vì một phần trong quá trình học tập được thiết kế trực tuyến, cho phép người học có thể học tập ở bất cứ đâu và trong bất cứ thời gian nào. Đồng thời, giáo viên cũng có thể dễ dàng đáp ứng được nhu cầu của học viên bằng cách tận dụng điểm mạnh của các môi trường học tập khác nhau (trực tuyến hay trên lớp học) và tích hợp nhiều loại hình học tập (xem các đoạn phim ngắn, nghe các cuộc nói chuyện, đọc bài báo, viết thư, chuẩn bị bài thuyết trình) trong một bài giảng.


2. Học viên tiếp cận sâu hơn vào việc học tập của bản thân mình

Với phương pháp học tập tích hợp, học viên luôn có thể tự chủ được tốc độ học tập của mình, không cần lo ngại tốc độ bài học quá nhanh hay quá chậm. Bất cứ lúc nào học viên cũng có thể tạm dừng bài học trực tuyến của mình, nghỉ ngơi, xem lại bài hay thậm chí là học lại từ đầu. Có thể thấy được rằng phương pháp này trao cho học viên quyền chủ động hoàn toàn trong việc thiết kế và đi theo lộ trình học tập riêng của bản thân để đạt được mục tiêu học tập mình đề ra.

3. Giáo viên có thể quan tâm nhiều hơn tới từng học viên trong lớp

Đa số giáo viên đều gặp con số 10-80-10 khi phân loại học viên trong lớp học của mình. Cụ thể, thường sẽ có 10% học sinh vượt trội, 10% học chậm hơn và còn lại là 80% học viên bình thường chiếm đại đa số. Dưới nhiều áp lực khác nhau, giáo viên thường lựa chọn hướng bài giảng của mình đến đám đông 80% này với suy nghĩ rằng ít nhất mình cũng đã giúp được cho phần đông học viên nhất.

Phương pháp học tập tích hợp giúp giáo viên phần nào giải bài toán hóc búa 10-80-10 này. Áp dụng phương pháp học tập tích hợp, giáo viên có thể giúp cho những học viên vượt trội phát triển hơn khả năng của mình thông qua việc khích lệ học viên tự học để mở rộng kiến thức và không lấy các bài thi làm mục tiêu cuối cùng. Bên cạnh đó, các học viên này còn có thể tự tra cứu đáp án cho những câu hỏi tự mình đặt ra cũng như chuẩn bị sẵn bài học cho bài tiếp theo trước khi đến lớp. Trong khi đó, các học viên yếu hơn có thể xem lại các nội dung bài học, bài tập trên lớp ở nhà (theo tốc độ mà học viên mong muốn) để củng cố kiến thức. Ngoài ra, việc đọc trước các bài đọc, xem phim hay nghe bài trước một bài học mới cũng là cách để các học viên này chuẩn bị tốt hơn trước khi đến lớp và có thể tự tin trong lớp học.

Đến đây, không thể không nhắc đến Hệ thống quản lý lớp học (Learning Management System). Hệ thống quản lý lớp học là một phần không thể thiếu của phương pháp học tập tích hợp này. Hệ thống này sẽ giúp giáo viên theo dõi được tình hình học tập, khả năng cũng như sự tiến bộ của từng học viên một cách dễ dàng. Hệ thống quản lý lớp học còn giúp cho việc cập nhật và truyền tải tài liệu học tập trở nên dễ dàng và thuận tiện hơn bao giờ hết.


4. Tăng cường tối đa tương tác xã hội trong lớp học

Môi trường lớp học có thể tạo ra rất nhiều cơ hội cho các tương tác xã hội trong chính lớp học đó. Phương pháp học tập tích hợp có thể giúp giáo viên có nhiều thời gian hơn để tạo ra những trải nghiệm học tập thú vị cho học viên, khi mà học viên đã tự học trước khi đến lớp và sẽ chủ động phát biểu, tham gia vào các hoạt động mang tính tương tác nhiều hơn với các thành viên khác trong lớp học. Trong lớp, học viên có thể tự đặt nhiều câu hỏi về bài học, thậm chí đóng vai trò như một giáo viên bằng cách tự trả lời những câu hỏi được đặt ra. Nhờ vậy mà giáo viên càng có thêm nhiều thời gian để lắng nghe và thay đổi tức thời bài giảng đã chuẩn bị sẵn một cách thích hợp nhất để đáp ứng được nhu cầu của học viên tại từng thời điểm khác nhau.

5. Học viên trở nên tự tin hơn

Một khó khăn thường gặp phải trong việc dạy tiếng nước ngoài chính là nỗi sợ hãi của học viên khi trình bày trước đám đông. Phương pháp học tập tích hợp sẽ làm nỗi sợ mình sẽ nói sai hay trông mình thật buồn cười tan biến vì học viên đã có thời gian để chuẩn bị và luyện tập trước khi đến lớp cũng như sau đó có thể ôn lại bài tập sau giờ học.


6. Học viên có thể tiếp cận được nguồn tài nguyên học tập dồi dào

Như đã được đề cập ở trên, thông qua việc sử dụng phương pháp dạy học tích hợp, học viên có thể chủ động tìm kiếm những nguồn tài nguyên học tập dựa trên yêu cầu của giáo viên, hoặc phù hợp với sở thích cũng như nguyện vọng của mình. Giáo viên cũng có thể thiết kế bài giảng phong phú, đa dạng để đáp ứng lại các phong cách học tập khác nhau của học viên.

7. Hỗ trợ đầy đủ và kịp thời

Phương pháp học tập tích hợp mang đến những hỗ trợ đầy đủ và kịp thời. Ví dụ như trong một khóa học trực tuyến, giáo viên có thể đưa ra nhận xét ngay lập tức cho một bài tập mà học viên đã hoàn thành hay mở những cuộc họp trực tuyến khi cần. Một ví dụ khác chính là việc giáo viên có thể thêm vào nhiều công cụ học tập để hỗ trợ học viên như các hoạt động, các kiến thức về văn hóa, ngữ pháp mà học viên có thể truy cập bất cứ khi nào học viên cần.

Thông qua phương pháp học tập tích hợp, học viên được trao quyền tự đưa ra quyết định và chủ động điều tiết việc học của bản thân, giúp nâng cao tính tự chủ của từng học viên.

8. Khuyến khích tìm tòi khám phá và phát triển tính tự chủ

Chúng ta học tập bằng nhiều cách khác nhau.Trong đó phương pháp học tập tích hợp đặc biệt thích hợp sử dụng để khuyến khích sự tìm tòi khám phá của người học. Thông qua việc tương tác với nhiều nguồn thông tin, nhiều hoạt động khá nhau, học viên đồng thời vừa học vừa tự tìm thấy được chính mình và lựa chọn được con đường học tập mà mình mong muốn. Học viên không chỉ tìm thấy những thông tin mình muốn, mà còn vô tình tìm thấy những thông tin khác để rồi học viên sẽ tự đối chiếu với những kiến thức mình biết, củng cố chúng và phát triển kiến thức hơn nữa.

Khi học viên có thể học tập hiệu quả hơn, học viên sẽ dần dần tách ra khỏi giáo viên và trở thành những học viên tự tin và độc lập. Mối quan hệ giáo viên-học viên lý tưởng nhất chính là khi cả thầy và trò đều có thể hoàn thành trọn vẹn vai trò của mình: học viên có thể tự làm chủ việc học của mình còn giáo viên sẽ chỉ hỗ trợ học viên khi cần thiết.

Nếu bạn thấy bài viết này hữu ích và muốn tìm đọc bài nghiên cứu đầy đủ, hãy truy cập vào đường dẫn sau nhé!

https://languageresearch.cambridge.org/images/Language_Research/CambridgePapers/CambridgePapersinELT_BlendedLearning_2016_ONLINE.pdf

Video liên quan

Post a Comment (0)
Previous Post Next Post