Tại sao các tập đoàn lớn trên thế giới đều đặt nhà máy sản xuất tại Trung Quốc

Bình thường mọi năm sẽ có khoảng 200.000 khách từ tất cả các nước đến tham dự Hội chợ xuất nhập khẩu Trung Quốc (China Import and Export Fair), còn được gọi là Hội chợ Canton Fair, được tổ chức một năm hai lần tại Quảng Châu.

Năm nay, do dịch bệnh, hội chợ này được tổ chức trực tuyến trong 10 ngày từ 15-24/6, với khoảng 25.000 nhà sản xuất đồng thời live-stream (phát trực tiếp) để giới thiệu và giải đáp thắc mắc của tất cả các khách hàng quan tâm đến sản phẩm của mình.
Theo tạp chí The Economist của Anh, Canton Fair đã khẳng định rằng Trung Quốc - quốc gia chiếm 28% nền sản xuất toàn cầu, gần bằng tổng của cả Mỹ, Nhật Bản và Đức cộng lại - vẫn rất mạnh dù có sự rối loạn và dịch chuyển sản xuất do dịch bệnh COVID-19 gây ra.

Trung Quốc có hai lợi thế lớn để là một cường quốc sản xuất và những lợi thế này đã thể hiện mạnh mẽ trong những tháng gần đây.
Thứ nhất, nền tảng công nghiệp của Trung Quốcmạnh mẽ cả về chiều rộng và chiều sâu, các mặt hàng nước này sản xuất bao gồm giày dép cấp thấp đến công nghệ sinh học cao cấp.
Ngay cả khi tiền công tăng lên một cách đều đặn, sự tổng hợp của các cụm sản xuất, cơ sở hạ tầng tốt và các nhà máy được nâng cấp khiến Trung Quốc có khả năng cạnh tranh hơn.
Năm 2005, 26,3% tổng giá trị xuất khẩu của Trung Quốc có nguồn gốc từ nước ngoài, đến năm 2016, tỷ lệ này đã giảm xuống còn 16,6%, trong đó tỷ lệ linh kiện có nguồn gốc từ nước ngoài giảm mạnh nhất trong ngành điện tử. Nói cách khác, nhiều linh kiện nhỏ cho các thiết bị điện tử của Trung Quốc được sản xuất tại nước này.
Khẩu trang, thứ buộc phải có trong thời kỳ dịch bệnh này, là một minh họa sống động về sức mạnh của Trung Quốc. Đầu tháng 2/2020, Trung Quốc sản xuất khoảng một nửa nguồn cung toàn cầu, 10 triệu cái mỗi ngày.
Trong vòng một tháng, sản lượng đã tăng lên gần 120 triệu. Điều đó không chỉ đơn giản nhờ sự nỗ lực. Đó là nhờ có "dây chuyền cung ứng toàn diện nhất thế giới", như cách nói của Tân Hoa Xã.
Một khẩu trang y tế đơn giản bao gồm một lớp vải dệt gắn với một lớp không dệt, quai đeo đàn hồi và một dải kim loại mỏng để khẩu trang áp chặt vào mũi. Một khẩu trang phức tạp hơn sẽ có thêm màng lọc mỏng bằng nhựa và bộ lọc than hoạt tính.
Bất kỳ quốc gia nào muốn tự sản xuất khẩu trang cũng cần các công ty có chuyên môn về dệt may, hóa chất, luyện kim và gia công, cùng với việc cung cấp đủ nguyên liệu thô, không gian nhà máy, công nhân có tay nghề, kỹ sư và vốn. Điều đó không thể có ngay và câu chuyện tương tự diễn ra đối với hàng ngàn các sản phẩm khác.
Lợi thế thứ hai là Trung Quốc có một thị trường nội địa rộng lớn. Đây chính là lý do tại sao nhiều công ty Mỹ mong muốn Chính quyền Tổng thống Donald Trump gây áp lực đủ mạnh để Trung Quốc mở thêm không gian cho họ hoạt động tại nước này, không gây căng thẳng quá mức làm mất cơ hội của họ.
Theo góc độ nào đó, các công ty toàn cầu thậm chí có vẻ còn gắn bó với Trung Quốc hơn, bất chấp cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung. Trong 18 tháng qua, giá trị của các vụ mua bán và sáp nhập nước ngoài ở Trung Quốc đã đạt mức cao nhất trong một thập kỷ, theo công ty nghiên cứu Rhodium Group.
Trong đó có một số dự án đầu tư đình đám. Công ty hóa chất BASF của Đức đang đầu tư 10 tỷ USD vào một tổ hợp sản xuất ở miền Nam Trung Quốc nhằm phục vụ các khách hàng địa phương.
Năm ngoái, Tesla đã mở nhà máy ở nước ngoài đầu tiên tại Thượng Hải để phục vụ thị trường Trung Quốc, thị trường lớn thứ hai của công ty này sau Mỹ.
Đúng như dự báo, suy thoái toàn cầu đang đè nặng lên các nhà sản xuất Trung Quốc. Xuất khẩu của Trung Quốc trong 5 tháng đầu năm 2020 đã giảm 8% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, các công ty Trung Quốc vẫn trong tình trạng tốt hơn so với các nơi khác do nước này thành công trong việc làm chậm sự lây lan của đại dịch COVID-19.
Nền kinh tế Trung Quốc không chỉ là một trong số ít các nền kinh tế nhiều khả năng vẫn tăng trưởng trong năm nay, việc sớm nối lại hoạt động sản xuất còn cho phép các nhà xuất khẩu nước này giành thêm thị phần khi hầu hết các quốc gia khác vẫn trong tình trạng phong tỏa.
Tại Nhật Bản, hàng hóa Trung Quốc chiếm mức cao kỷ lục, với 30% tổng nhập khẩu trong tháng Năm. Tại châu Âu, hàng hóa Trung Quốc chiếm 24% lượng nhập khẩu trong tháng Tư, đâu cũng là một con số kỷ lục.
Tuy nhiên, đây có thể là đỉnh điểm đối với các nhà xuất khẩu Trung Quốc. Các quốc gia khác hiểu quá rõ về năng lực sản xuất của Trung Quốc và việc họ dễ bị thiếu hụt các sản phẩm quan trọng. Điểm đó đã thể hiện rõ hồi đầu năm nay khi các nước tranh giành mua máy thở và khẩu trang từ Trung Quốc.
Lo ngại rằng quá nhiều hoạt động sản xuất được chuyển đến Trung Quốc đã thúc đẩy một số thành viên của Chính quyền Tổng thống Trump, đặc biệt là cố vấn Nhà Trắng Peter Navarro, muốn áp thuế đối với các sản phẩm của Trung Quốc. Bây giờ nhiều người khác có cùng quan điểm này.
Tháng Tư, Nhật Bản đã dành riêng 2,2 tỷ USD để hỗ trợ cho các nhà sản xuất muốn di dời sản xuất khỏi Trung Quốc. Các quan chức châu Âu đã cảnh báo về sự phụ thuộc quá mức vào Trung Quốc, đặc biệt là các sản phẩm y tế. Trong khi đó, các chính phủ khác như Ấn Độ đang cung cấp các khoản vay, đất giá rẻ và các ưu đãi khác để lôi kéo các công ty rời Trung Quốc.
Trước đây, những khích lệ như vậy hiếm khi có tác dụng, nhưng bây giờ có cơ hội thành công hơn. Có ba yếu tố đang thúc đẩy các công ty chuyển một số hoạt động sản xuất, ngay cả khi họ tiếp tục nhắm vào thị trường nội địa Trung Quốc.
Đầu tiên, việc Trung Quốc leo lên trong chuỗi giá trị và chi phí lao động tăng đã đánh bật các công ty sản xuất hàng rẻ tiền. Nhiều nhà sản xuất hàng may mặc và lắp ráp đồ điện tử cơ bản đã rời đi.
Thứ hai, căng thẳng giữa Trung Quốc và Mỹ đã khiến các công ty lo ngại bị mắc kẹt ở bên này hay bên kia "chiến tuyến". Apple vẫn sản xuất hầu hết iPhone tại Trung Quốc, nhưng để phòng ngừa rủi ro chính trị, công ty này đã khuyến khích các nhà cung ứng mở rộng sản xuất ra các nơi khác, như Ấn Độ.
Thứ ba, việc các nhà máy ngừng hoạt động trong thời kỳ dịch bệnh, với hoạt động sản xuất tại Trung Quốc gần như ngừng hoàn toàn trong tháng Hai, đã nhấn mạnh sự nguy hiểm của việc quá phụ thuộc vào một quốc gia nào đó.
Bằng chứng của sự thay đổi có thể thấy trong cuộc khảo sát lãnh đạo cấp cao các công ty lớn của Mỹ, Trung Quốc và Bắc Á (như Nhật Bản và Hàn Quốc) do ngân hàng Thụy Sỹ UBS thực hiện.
Trong số hơn 1.000 người được hỏi, 76% các công ty Mỹ, 85% các công ty Bắc Á và thậm chí 60% các công ty Trung Quốc nói rằng họ đã chuyển hoặc đang lên kế hoạch chuyển một số hoạt động sản xuất khỏi Trung Quốc.
Ông Keith Parker, một quan chức cấp cao của UBS, ước tính rằng các công ty có thể di chuyển từ 20-30% năng lực sản xuất của họ tại Trung Quốc. Việc bố trí lại hoạt động sản xuất này sẽ không xảy ra ngay lập tức, nhưng sẽ dần dần giảm bớt sự thống trị của Trung Quốc trong ngành sản xuất. BNEWS/TTXVN

Video liên quan

Post a Comment (0)
Previous Post Next Post